Sau 30 tuổi, tấm thẻ thông hành tốt nhất không phải tuổi tác, mà là "hiện kim"

9X đời đầu chia sẻ kinh nghiệm với người trẻ: Sau 30 tuổi, tấm thẻ thông hành tốt nhất không phải tuổi tác, mà là "hiện kim"

Hãy nỗ lực hết mình, đừng bỏ lỡ bất cứ phút giây nào. Có nhiều "cái khổ", "nếm" thử trước càng sớm càng tốt. Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ.

 



Hôm nay là sinh nhật lần thứ 30 của Nhật Minh, chúng tôi rủ nhau đi họp mặt, trò chuyện, và cùng nhau rút ra được vài điều:

1. Trưởng thành

Trong bất kì giai đoạn nào của cuộc đời, chúng ta đều là những "lính mới".

30 tuổi, cái lứa tuổi mà bọn trẻ thường gọi bằng cô, bằng chú. Là cái lứa tuổi mà những cô cậu sinh viên ngưỡng mộ vì đủ chững chạc, trưởng thành.

Nhưng chỉ có chúng tôi mới tự hiểu được, trên vai lại gánh thêm nhiều trách nhiệm hơn nữa.

Tốc độ trưởng thành của một người, phụ thuộc rất nhiều vào những gì anh ta đã trải qua. Người càng giàu kinh nghiệm sống, tức nghĩa con đường họ đi cũng càng khó khăn.

Do đó, hãy cứ sống hết mình và đầy nhiệt huyết khi còn trẻ, đừng ngại thử, đừng tự giam mình trong một "cái giếng" nhỏ bé.



2. Ước mơ

Ước mơ của trẻ con thì vô vàn: làm bác sĩ, kĩ sư, cô giáo, làm diễn viên, người nổi tiếng... hoặc thậm chí là biết bay, có thể đi lên các hành tinh khác...

Còn ước mơ của người trưởng thành thường chỉ tập trung nhiều nhất vào một điều:

"Có nhiều tiền mà không cần đi làm."

Theo sự gia tăng của tuổi tác, ước mơ sẽ ngày càng trở nên thiết thực và gắn liền với cuộc sống nhiều hơn.

Cũng phải, ngay cả Tết mọi người còn không ham thích như khi còn nhỏ, nói gì đến những ước mơ. Chuyện cơm, áo, gạo, tiền khiến con người ta mơ ước thực tế hơn cũng là chuyện bình thường.


3. Sự nghiệp

Một người đến 30 tuổi, nhất định phải hiểu rõ về thế giới và bản thân mình. Lúc đối mặt với thế giới, cũng cần có một thái độ và nguyên tắc chuẩn mực riêng.

Chẳng hạn, người thế nào thì đáng để kết giao? Người thế nào thì nên cách càng xa càng tốt? Hoặc hiểu rõ bản thân muốn gì, cần một cuộc sống như thế nào?

Đến 30 tuổi mà vẫn chưa có nhà, sự nghiệp không có gì nổi bật, như vậy có phải là biểu hiện của kẻ thất bại hay không?

Tôi không biết người xung quanh sẽ đàm tiếu bạn thế nào? Nhưng tôi chắc chắn trả lời rằng: "Không phải!"

Điểm xuất phát cũng như không gian phát triển của mỗi người đều khác nhau, đừng nên vì định kiến có sẵn mà tự "gán tội danh" vô dụng cho chính mình như thế. Nhưng đồng thời, bạn cũng cần nên tự nhắc nhở mình, phải cố gắng hơn gấp nhiều lần lúc trước.

Bởi vì khi bạn càng lớn tuổi, càng có ít sự lựa chọn hơn.

Hơn nữa, sau 30 tuổi, tấm thẻ thông hành tốt nhất không phải tuổi tác, mà là "hiện kim".

"Hiện kim" thì mọi người đều biết, ý chỉ "tiền mặt". Ngoài ra, nếu nhìn từ góc độ khác, "hiện kim" còn đại biểu cho giá trị con người.

Nếu bạn không có nhiều tiền, thì nhất định phải phấn đấu sao cho giá trị con người bạn phải ngày càng tăng.

Nên nhớ, hãy nỗ lực hết mình, đừng bỏ lỡ bất cứ phút giây nào. Có nhiều "cái khổ", "nếm" thử trước càng sớm càng tốt. Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ.



4. Bạn bè

Trước đây, tôi có một người bạn cùng phòng kí túc xá, hai đứa rất thân. Nhưng sau khi ra trường thì không còn liên lạc với nhau nữa, dù cả hai không có bất cứ mâu thuẫn gì.

Trẻ nhỏ giận nhau thì nghỉ chơi ra mặt, còn mối quan hệ giữa người lớn chỉ thường kết thúc trong âm thầm, không cần tạm biệt, nhưng sau này sẽ không gặp lại nữa.

Tôi nhớ trong phim hoạt hình "Spirited Away" có một câu nói thế này:

"Cuộc sống là một chuyến tàu đi về mộ. Trên đường đi sẽ có rất nhiều điểm dừng. Thật khó để ai đó có thể cùng bạn đi hết con đường. Nhưng khi người đi cùng bạn muốn xuống tàu, dù bạn có không nỡ đi nữa, cũng nên biết ơn vì những khoảnh khắc họ ở bên, sau đó vẫy tay chào tạm biệt."

Nhìn thoáng một chút, nghĩ xa ra, bởi vì trưởng thành chính là con đường đi của một người. Ai xứng đáng kết giao thì giữ, những người đã đi rồi thì không cần lưu luyến. Mỗi người đều có cuộc sống riêng và đều đang trải nghiệm hành trình đó trên con đường của riêng mình.

Nhiều người nói rằng: Giao tiếp của người lớn mang chủ nghĩa thực dụng, nhiều hơn phần "giả", mà ít đi phần chân thực.

Khi đối mặt với điều này, bạn cần có một tư duy độc lập, suy nghĩ sáng suốt để đưa ra hành động, quyết định chính xác nhất.



5. Tình yêu

Dù 30 tuổi chưa kết hôn cũng không sao. Bạn không nên sợ trễ, chỉ nên sợ lấy nhầm người.

Thế giới có gần 8 tỷ người, việc tìm ra một nửa kia chân thành và phù hợp với mình là điều không dễ, nên có kết hôn muộn tí cũng không sao.

Khi chưa gặp được người phù hợp, sống một mình cũng rất tốt. Bạn là chính bạn, bạn mạnh mẽ, độc lập.

Chờ đến khi gặp được định mệnh đời mình rồi, nghĩ đến kết hôn, mới khiến người ta thực sự hạnh phúc.

Hi vọng mỗi người đều có thể tìm được tình yêu chân thực của đời mình.



6. Gia đình

Dù bạn bao nhiêu tuổi đi nữa, đối với cha mẹ, bạn vẫn chỉ là một đứa trẻ.

"Khi bố mẹ còn sống, bạn sẽ nhận ra giá trị cuộc sống. Nhưng khi bố mẹ rời đi, bạn sẽ biết rằng cuộc sống rất ngắn ngủi."

Lần đầu tiên tôi đọc được câu này, cũng là khi tôi còn ngồi trong phòng học bài, còn mẹ đang bận rộn nấu cơm trong bếp. Ngay lúc đó, tôi bỗng dưng thấy mình thật sự may mắn!

Tôi của tuổi trẻ, thường nghĩ tại sao ba mẹ hay "giận cá chém thớt", bực bội bên ngoài rồi về nhà cáu gắt với mình?

Tôi của bây giờ, là cha của hai đứa con, cũng đã hiểu được thế nào là trách nhiệm, là cuộc sống.

Người làm cha, làm mẹ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Khi họ lớn tuổi rồi, có thể sẽ quên trước quên sau, có thể sẽ hay gặn hỏi nhiều lần, nhưng chúng ta cũng nên bao dung cho họ. Bởi vì sinh mệnh bạn có được này, là nhờ cha mẹ ban cho.



7. Đời người

Có một số người, bạn nhìn thấy anh ta nghèo nàn, khốn khó. Nhưng chỉ sau vài năm gặp lại, người đã trở nên khác hẳn, vừa sang trọng vừa giàu có.

Cũng có vài người, sống xa hoa, sang chảnh đó. Nhưng phút chốc bỗng rơi xuống vũng bùn.

Cuộc sống thăng trầm và đầy rẫy những biến số. Bạn có thể tự hào về thành tích vẻ vang trong quá khứ, nhưng không nên ngủ quên trên chiến thắng.

Nếu không tiếp tục cố gắng, con đường bạn đi sẽ bị lệch hướng. Và bạn, lại phải trở về bến cũ bắt đầu lại từ đầu.

(Theo cafebiz)


Read more…

Bài học dạy con trứ danh của cố Thủ tướng Đài Loan

 

Bài học dạy con trứ danh của cố Thủ tướng Đài Loan

"Gia đình là duyên phận một lần duy nhất, hãy trân trọng từng giây gia đình ta ở bên nhau, dù ít dù nhiều", là một trong những lời căn dặn rung động lòng người của ông Sun Yun-suan tới con trai.

Cựu Thủ tướng Sun Yun-suan (Tôn Vận Tuyền) có 4 người con, đều có con đường học hành rất sán lạn tuy nhiên không ai đi theo con đường chính trị mà đều làm chuyên môn. Con gái cả Sun Lu-hsi, Tiến sĩ ngành công nghệ thực phẩm ĐH Brooklyn Mỹ, Giáo sư đặc biệt của Viện nghiên cứu khoa học công nghệ thực phẩm Đại học Quốc lập Đài Loan, chồng bà từng là Chủ tịch Hội khoa học quốc gia.

 


                    Ông Sun Yun-suan và phu nhân.

Con gái thứ Sun Lu-jun, lấy chồng Canada, làm việc về tài chính ở nước Anh. Con trai cả Sun Yi-he, tiến sĩ Đại học Princeton, kĩ sư trưởng công ty Alstom Power nổi tiếng, hiện sống ở Mỹ. Con trai út Sun Yi-hong, tiến sĩ Đại học Berkeley, chuyên ngành xây dựng cơ bản, hiện sống ở Mỹ.

 


                                     Gia đình ông Sun Yun-suan khi các con còn nhỏ.

Trong nhiều năm qua, những lời căn dặn trong một lá thư ông gửi đến con trai được báo chí, cộng đồng mạng ở Đài Loan và Trung Quốc tôn vinh, nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Bức thư không chỉ là những lời dặn dò rút từ gan ruột của một người cha gửi đến con trai mà còn chứ đựng những bài học quý giá về cuộc sống dành cho tất cả mọi người.

 

Nội dung của lá thư đó như sau:

 

Con trai à, ta viết vài dòng căn dặn này cho con, xuất phát từ ba nguyên tắc sau:

 

1. Đời người phúc hoạ vô thường, chẳng ai biết sẽ sống được bao lâu, có những điều nên nói sớm thì hơn.

 

2. Ta là cha con, ta không nói với con thì còn ai nói.

 

3. Những điều viết đây đều là kinh nghiệm ta rút ra được sau những thất bại đau đớn, để rút ngắn bớt kha khá những cung đường oan trên chặng đường trưởng thành của con.

 

Sau đây là những điều con phải nhớ kỹ trong đời:

 

1. Đừng quá để tâm đến những ai đối xử không tốt với con. Trong đời con, chả ai có nghĩa vụ đối tốt với con, trừ ta và mẹ con. Còn những người đối xử tử tế với con thì ngoài việc trân trọng và biết ơn họ, con cũng hãy có ý thức đề phòng một chút. Vì ai làm việc gì mà chả có nguyên cớ, người ta đối tốt với con chưa chắc là vì thực sự quý con, con nhớ tìm hiểu cho kĩ chứ đừng coi người ta là bạn chí cốt ngay tức khắc.

 

2. Không ai là không thể thay thế, không có thứ gì con không thể không nắm được. Nếu nhìn thấu được lẽ này, một mai kia, nếu người đầu gối tay ấp không cần con nữa, hay khi đánh mất thứ con yêu quý nhất trên đời, con cũng cần hiểu rằng, chẳng có gì to tát quá cả.

 

3. Kiếp người ngắn ngủi, nếu hôm nay con lãng phí đời con, thì ngày mai con sẽ thấy cuộc đời bỏ con đi xa rồi. Vì vậy, con càng sớm trân trọng đời con thì con càng được tận hưởng cuộc sống sớm; hãy trân trọng đời này càng sớm càng tốt, chứ đừng mong mình sống thọ.

 

4. Trên thế gian này không có cái gọi là "tình yêu duy nhất mãi mãi", yêu là cảm giác tức thời, cảm giác này chắc chắn sẽ thay đổi theo thời gian và tâm thế. Nếu "tình yêu duy nhất mãi mãi" của con bỏ con mà đi, con hãy nhẫn nại chờ một tí, để ngày tháng gột rửa dần, để lòng con từ từ lắng lại, đau khổ sẽ dần dà nhạt nhoà. Đừng mơ tưởng hão về cái đẹp của tình yêu, đừng làm quá nỗi đau khi thất tình.

 

5. Tuy rằng rất nhiều vị công thành danh toại không học nhiều lắm, nhưng thế không có nghĩa là cứ lười học lười đọc là sẽ thành công cái chắc. Tri thức con học được sẽ là vũ khí trong tay, có thể dựng cơ đồ từ bàn tay trắng, nhưng không thể chiến đấu không một tấc gươm. Mong con nhớ kĩ!

 

6. Ta chẳng yêu cầu con nuôi ta lúc già, và tương tự, ta cũng không chu cấp cuộc đời sau này của con. Khi nào con khôn lớn, độc lập là ta hết trách nhiệm. Sau này con đi xe buýt hay lái xe Mẹc, con ăn miến hay ăn bào ngư thì cũng là việc của con.

 

7. Con có thể ép con giữ chữ tín, nhưng không ép người khác được. Con có thể yêu cầu con đối tốt với người, nhưng không được chờ người ta đối tốt với con. Không chắc rằng con đối đãi với người ta thế nào thì sẽ nhận lại được thế ấy. Nếu không hiểu thấu điều này, con sẽ phí phạm nhiều bức bối không phải lối.

 

8. Ta mua vé số mười mấy hai chục năm rồi, nhưng vẫn trắng tay, ta chưa từng trúng một đồng cắc nào. Nghĩa là muốn giàu thì phải cố gắng làm việc, trên đời này chẳng có bữa ăn nào là miễn phí.

 

9. Gia đình là duyên phận một lần duy nhất, hãy trân trọng từng giây gia đình ta ở bên nhau, dù ít dù nhiều; kiếp tới đây, dù ta có yêu thương nhau hay không, chúng ta cũng sẽ không thể gặp lại nhau nữa.

Đã nhiều năm qua, những lời căn dặn này được tôn vinh và nhắc đi nhắc lại trên báo chí cũng như các phương tiện truyền thông, nhưng cũng có nhiều nguồn thông tin cho rằng đây không phải thư của ông Sun Yun-suan viết, mà là một người cha khác cũng khá nổi danh ở Đài Loan nhắn nhủ con mình. Căn cứ chính để khẳng định như vậy là chi tiết "mua xổ số", và chứng cứ chính là Quỹ học bổng Sun Yun-suan không khẳng định đây là thư Tôn tiên sinh viết cho con ông. Tuy nhiên, bức thư này rất hay, và quá ý nghĩa cũng như thân thế sự nghiệp của Sun Yun-suan quá đáng nể nên nhiều thế hệ người đọc vẫn coi những lời căn dặn này là bài học lớn cho mình trong việc nuôi dạy con cái.

Ông Sun Yun-suan, sinh năm 1913, được coi là một trong những kiến trúc sư trưởng của "phép lạ kinh tế" của Đài Loan khi giúp Đài Loan để trở thành một trong những con hổ Đông Á. Trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông, các dự án cơ sở hạ tầng đồ sộ như sân bay Chiang Kai-shek International, Nhà máy điện hạt nhân số 1, và đường cao tốc quốc gia Sun Yat-sen... đã được hoàn thành. Ông đã đấu tranh thành lập các ngành công nghiệp công nghệ cao mà sau này sẽ trở thành nền tảng của nền kinh tế Đài Loan.

Ông qua đời tháng 2/2006, thọ 92 tuổi, hiện ở Đài Loan có Nhà tưởng niệm và Quỹ học bổng học thuật mang tên ông. Toàn thể người dân Đài Loan đều kính trọng tài năng, đức độ và những cống hiến của ông dành cho quê hương.

(Theo Trí thức trẻ)

 

Read more…